Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

17/08/2010   -   Tin công ty

 Để giải quyết các khó khăn hiện nay, Hà Nội và để tiếp tục hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, bền vững đạt hiệu quả cao trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường - là đô thị phát triển thịnh vượng, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và Quốc tế, có chất lượng cuộc sống tốt, khả năng cạnh tranh tốt, quản ly tốt và nền tài chính tốt, Ngày 29/5/2008, Quốc hội đã thông qua việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội lần 3 (Nghị quyết số 15/2008/NQ12 ngày 29/5/2008), qua đó Hà Nội đã được mở rộng với diện tích 3.344,7km2 (gấp trên 3 lần). Với việc mở rộng như vậy, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để thực hiện mục tiêu đặt ra, để quy hoạch đảm bảo tính ổn định, bền vững.

Với tầm nhìn rộng hơn về không gian, xa hơn về thời gian, việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể Thủ đô cần khẳng định được vai trò, vị trí, chức năng của Thủ đô như Nghị quyết 15/BCT và 6 mục tiêu phát triển trong Pháp lệnh Thủ đô. Hà Nội phải trở thành đầu tàu phát triển trong Vùng trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. - Đặt quy hoạch tổng thể Thủ đô trong mối quan hệ chung của quy hoạch Vùng Thủ đô, quốc gia, khu vực và Quốc tế, biến tiềm năng lợi thế phát triển của từng địa phương thành động lực chung cùng phát triển. Đồng thời, xác định, làm rõ 2 mối quan hệ lớn: Phát triển kinh tế và giảm sức ép lên Thành phố Trung tâm. Xác định mô hình phát triển không gian cho Thủ đô theo hướng chùm đô thị, bao gồm: Thành phố Trung tâm -Các đô thị vệ tinh - Các đô thị đối trọng. Trong đó các đô thị vệ tinh tập trung phát triển ở các cực chủ yếu.

Ở cực Tây, phát triển đô thị Hòa Lạc để tạo sức hút, sức hẫp dẫn nhằm giảm áp lực cho Hà Nội về các chức năng giáo dục đào tạo, công nghệ cao, y tế chuyên sâu, các khu du lịch, và công viên nghĩa trang. Đây cũng là điểm cửa ngõ của Hà Nội về phía Tây nối kết với các đô thị, các khu vực phát triển kinh tế trên trục đường Hồ Chí Minh.

Ở cực Bắc, đô thị Sóc Sơn gắn với chức năng của cảng hàng không, trung tâm tiếp vận, trung tâm phân phối hàng hóa - đô thị dịch vụ sân bay và du lịch sinh thái.

Ở cực Nam: Đô thị Phú Xuyên với chức năng chủ đạo công nghiệp, trung tâm phân phối hàng hóa và trung tâm tiếp vận, tạo cơ hội động lực phát triển cho khu vực chậm phát triển ở khu vực Ứng Hòa, Thường Tín và Mỹ Đức.

Trên cơ sở các cực phát triển đô thị, hình thành các khung hạ tầng kỹ thuật liên kết nhanh, tạo thành các trục hành lang kinh tế hỗ trợ cho đô thị hạt nhân của Hà Nội. Như tại trục phía Bắc, đẩy mạnh các hoạt động thương mại dịch vụ, logistic, trung tâm phân phối hàng hóa, du lịch, trung tâm vui chơi giải trí cao cấp gắn với cửa ngõ hàng không tạo trục động lực mới cho phía Bắc. Trục Láng - Hòa Lạc, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, công nghệ, viện nghiên cứu và các dịch vụ du lịch...

Quy hoạch sẽ xác định vành đai xanh bao quanh Thành phố Trung tâm để đảm bảo cân bằng, ổn định phát triển bền vững. Tránh phát triển không gian Thành phố Trung tâm theo dạng hình sao kéo dài theo các trục hướng tâm, không kiểm soát được. Hạn chế tối đa việc tập trung dân số, cơ sở kinh tế, tránh hình thành siêu đô thị. Hạn chế di dân cơ học về Thành phố Trung tâm bằng việc phát triển các đô thị trung gian vừa và nhỏ trên địa bàn các tỉnh, tạo công ăn việc làm tại địa phương. Xác định quy mô dân số, đất đai hợp lý cho Thành phố Trung tâm để phát triển ổn định lâu dài. Cần dựa vào hệ thống các đô thị vệ tinh và đối trọng trong Vùng để giảm sức ép lên Thành phố Trung tâm...

Sông Hồng là một thắng cảnh đẹp của Thủ đô, cần phải được nghiên cứu bài bản, đồng bộ và toàn diện, gắn với tổng thể chung của Thủ đô. Khai thác yếu tố cây xanh - mặt nước - văn hoá làm bật lên trục không gian chính của Thủ đô gắn với trục Cổ Loa - Hồ Tây tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho mặt bằng thành phố. Hình thành hệ thống trung tâm công cộng lớn cả phía Bắc và phía Nam sông Hồng trong một tổng thể chung thống nhất. Xác định các khu vực đặc thù của Thủ đô như: phố cổ, phố cũ, Hồ Tây - Hồ Gươm - Thành Cổ - Sông Hồng - Cổ Loa, các làng nghề truyền thống… để khoanh vùng kiểm soát phát triển và giữ được nét đặc trưng văn hoá riêng của Hà Nội. Hệ thống cây xanh công viên cũng cần được hình thành và xác định rõ trên cơ sở các công viên nội đô, công viên ven đô, kết hợp với vành đai xanh tạo thành các nêm cây xanh đưa sâu vào Thành phố Trung tâm.

Hiện nay, vai trò của công tác quy hoạch đã được xác định đúng với bản chất của nó trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Tính khoa học và khả thi của đồ án quy hoạch không chỉ đơn thuần thỏa mãn yêu cầu của một mục tiêu văn hóa, xã hội hay hiệu quả kinh tế nào đó mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn trong phát triển trường tồn, bền vững cho đô thị. Sự sai lầm của một định hướng quy hoạch hay quy hoạch chi tiết cụ thể không dễ được điều chỉnh mà phải dành cả thời gian dài, thậm chí qua nhiều thế hệ, nhiều công sức mới khắc phục được.

Đến nay, xét về phương diện nghiên cứu, việc lập đồ án quy hoạch còn tiếp tục phải cải tiến nhưng về tổng thể, đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã làm một cách bài bản, có tính khoa học và tập trung trí tuệ của các chuyên gia có trình độ trong và ngoài nước. Tôi tin tưởng với cách làm, cách đặt vấn đề như vậy, quy hoạch này sẽ có chất lượng và tính thực tiễn cao, đảm bảo đi vào cuộc sống với mục tiêu phát triển bền vững cho Thủ đô thân yêu của chúng ta nói riêng và với đất nước nói chung.

(Trích tham luận của KTS Nguyễn Thế Thảo - Uỷ viên TW Đảng - Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Hội nghị Đô thị toàn quốc 10 năm xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam)

 

Nguồn: Sở Qui Hoạch - Kiến Trúc Tp. Hà Nội

Tin tức khác